Tế bào gốc là gì, công nghệ tế bào gốc được ứng dụng ra sao… là những thắc mắc thường gặp của nhiều người hiện nay.
Tế bào gốc là gì?
Tế bào gốc là tế bào có khả năng tự đổi mới, tăng sinh và phát triển biệt hóa thành các loại tế bào chuyên biệt để thực hiện chức năng trong một mô cụ thể. (1)
Tế bào gốc có thể được phân lập từ nhiều nguồn khác nhau, trong đó nguồn tế bào gốc từ máu và mô dây rốn cung cấp một lượng tế bào gốc đáng kể và có nhiều ưu điểm vượt trội. Trường hợp trẻ được lưu trữ tế bào gốc, các tế bào này có thể được nhân nuôi tăng số lượng tế bào để phục vụ cho điều trị. Từ máu dây rốn có thể tách được tế bào gốc tạo máu. Từ mô dây rốn có thể tách được tế bào gốc trung mô. Tế bào gốc tạo máu khi được truyền vào cơ thể qua đường tĩnh mạch sẽ di chuyển đến tủy xương. Tại đây, chúng sẽ tăng sinh và phát triển thành các tế bào máu mới thay thế cho các tế bào cũ bị khiếm khuyết.
Ghép tế bào gốc tạo máu có thể chữa khỏi nhiều bệnh hiểm nghèo liên quan đến hệ tạo máu như đa u tủy xương, ung thư bạch cầu cấp tính, thalassemia,… Còn đối với tế bào gốc trung mô, tiềm năng ứng dụng điều trị nhiều bệnh khác nhau dựa trên hai cơ chế chủ yếu là khả năng biệt hóa thành các tế bào chức năng thay thế các tế bào bị tổn thương và khả năng điều biến miễn dịch. Các thử nghiệm lâm sàng sử dụng tế bào này tập trung vào các bệnh liên quan đến hệ miễn dịch như Lupus ban đỏ hệ thống (SLE), bệnh ghép chống chủ (GvDH) và một số tổn thương như thoái hóa khớp, các vết thương lâu lành do tiểu đường,….
Tại Việt Nam, việc nghiên cứu và ứng dụng tế bào gốc tạo máu trong y học, điều trị các bệnh lý đã được thực hiện từ những năm 90 của thế kỷ XX. Gần đây, tế bào gốc trung mô cũng đã được ứng dụng trong điều trị thoái hóa khớp và các thử nghiệm trong điều trị tiểu đường, phổi tắc nghẽn mạn tính, xơ gan,.…
Các ứng dụng của tế bào gốc
1. Trong y học tái tạo
Tế bào gốc là các tế bào đa năng có khả năng biến thành các loại tế bào chuyên biệt trong cơ thể con người. Vì thế, chức năng của tế bào gốc là phục vụ như một hệ thống sửa chữa, thay thế các tế bào bị tổn thương hay tế bào chết.
Tạo ra tế bào khỏe mạnh để thay thế các tế bào bệnh, điều trị bệnh: Tế bào gốc được sử dụng để bổ sung, thay thế, sửa chữa cho các tế bào chức năng phát triển lệch lạc gây bệnh hoặc các tế bào đã già yếu, tổn thương. Do đó, công nghệ sinh học tế bào gốc đang được sử dụng để điều trị nhiều bệnh lý nguy hiểm, bệnh nan y. Trong tương lai, tế bào gốc còn được kỳ vọng có thể phát triển thành mô mới, sử dụng trong cấy ghép và y học tái tạo. (4)
2. Hỗ trợ tìm hiểu cơ chế bệnh lý:
Công dụng của tế bào gốc còn giúp các chuyên gia y tế gia tăng sự hiểu biết về cơ chế bệnh lý thông qua việc nghiên cứu các tế bào gốc trưởng thành biệt hoá thành các tế bào khác trong cơ thể như tế bào thần kinh, cơ tim, sụn, xương,… từ đó hiểu rõ hơn về cơ chế gây bệnh cũng như các nguyên nhân gây bệnh và tiến triển bệnh.
3. Thử nghiệm, phát triển các loại thuốc:
Nhờ vào nuôi cấy tế bào, thời gian nghiên cứu và phát triển các loại thuốc sẽ được rút ngắn rất nhiều. Công dụng của tế bào gốc nuôi cấy giúp sàng lọc độc tính của thước mới cũng như nghiên cứu hiệu quả của thuốc, kiểm tra xem thuốc có ảnh hưởng gì đến các tế bào của cơ thể không, các tế bào có bị tổn hại hay không.
4. Tế bào gốc chữa được những bệnh gì?
Hiện nay, công nghệ tế bào gốc có thể được ứng dụng để nghiên cứu và chữa hơn 80 loại bệnh khác nhau, có thể kể đến các bệnh điển hình như:
Tổn thương tủy sống
Đái tháo đường loại 1
Bệnh Parkinson
Bệnh Alzheimer
Các bệnh tim mạch
Đột quỵ
Bỏng
Ung thư
Viêm xương khớp
Đa u tủy
Xơ cứng teo cơ 1 bên
….